Mô hình khuyến nông khơi dậy ý chí thoát nghèo cho đồng bào miền núi
Tại bản An Bai, miền núi Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình hỗ trợ xây dựng 3 mô hình nuôi dê sinh sản cho các gia đình bà con dân tộc Vân Kiều.
Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 7 con dê cái và 1 con dê đực. Trước khi hỗ trợ con giống cho các hộ dân, Trung tâm đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh… cho bà con nắm rõ tường tận.
Ngoài ra, Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật bám sát, hỗ trợ hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn dê cho bà con.
Sau khi nhận dê giống, các gia đình được hướng dẫn xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường. Ngoài chăn thả dê cho ăn thức ăn tự nhiên, bà con còn bổ sung thêm các loại lá cây để đàn dê có đủ dinh dưỡng. Chuồng trại được làm cao ráo, chắc chắn, đủ ấm vào mùa đông.
Gia đình anh Hồ Văn Sửu được nhận đàn dê giống về trong sự vui mừng và cũng đầy phân vân. Đây là lần đầu tiên gia đình biết đến nuôi dê nên lo lắng. “Tôi cũng chưa biết bắt đầu thế nào để đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. May mà đã có cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh lên ở, ngày đêm chỉ bảo”, anh Sửu kể lại.
Mỗi khi dê bị bệnh biếng ăn, cán bộ Trung tâm lại chỉ cho bà con cách phân biệt nhóm bệnh, cách chữa trị và chăm sóc sau khi đàn dê bị ốm. Nhờ vậy, bà con dần quen và ngày càng chủ động hơn trong việc phát triển đàn dê.
Sau một năm thực hiện mô hình chăn nuôi dê, gia đình anh Sửu hồ hởi đón cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh lên kiểm tra. Anh khoe: “Đàn dê của gia đình tôi đã đẻ thêm được 5 con dê con. Có người đánh tiếng mua rồi nhưng chưa bán, để lại phát triển thêm đã. Chứng nào đàn dê có được 20 con thì mới bán dần vài con”.
Từ sự hỗ trợ của cán bộ Trung tâm, các hộ dân đã có thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhiều bà con xung quanh cũng cho hay, thời gian tới sẽ mua giống để phát triển mô hình nuôi dê sinh sản và xem đây là hướng phát triển kinh tế bền vững của gia đình.
Ở gần bản An Bai là bản Chuôn. Đời sống của người dân ở bản Chuôn còn gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ đồng bào có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã xây dựng các mô hình trồng mít ruột đỏ, khoai môn, nuôi ngan đen…
Gia đình chị Hồ Thị Lý được hỗ trợ 35 con ngan giống, thức ăn, thuốc thú y… và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình nuôi.
Đàn ngan của gia đình chị Lý nhờ được chăm sóc tốt nên sinh trưởng nhanh. Sau 6 tháng nuôi, trung bình mỗi con ngan đều đạt trọng lượng trên 3 kg, bán giá 80 ngàn đồng/kg.
Theo kỹ sư Mai Ngọc Thuận, Trưởng Phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình), từ mô hình ban đầu 24 con dê giống, đến nay bà con đã phát triển được 40 con và nhiều bà con đang phát triển tổng đàn. “Riêng mô hình ngan, đã có hàng chục gia đình học cách làm theo. Nhiều gia đình để lại con giống để phát triển đàn và trở thành mô hình được nhân rộng”, kỹ sư Thuận nói thêm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã thực hiện nhiều mô hình sinh kế thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy). Ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy đánh giá, nhiều mô hình đã tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
“Các mô hình không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào. Góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương", ông Thắng đánh giá.
source https://nongnghiep.vn/mo-hinh-khuyen-nong-khoi-day-y-chi-thoat-ngheo-cho-dong-bao-mien-nui-d326048.html