Để triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi.
Đến thời điểm này, Cục Chăn nuôi cùng Tập đoàn VNPT đã triển khai thu thập dữ liệu tất cả nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Trong tháng 7 này sẽ từng bước triển khai phối hợp thu thập dữ liệu về cơ sở chăn nuôi tại các địa phương.
Chia sẻ về những bước đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Chuyển đổi số Tài Nguyên Môi trường và Nông nghiệp cho biết, Tập đoàn VNPT xác định bám sát mục tiêu chuyển đổi đổi số của ngành nông nghiệp, dựa trên hiện trạng về công tác hành chính, quản lý, hiện trạng các hệ thống thông tin đã triển khai. Từ đó, có những bước đi phù hợp với khối các cơ quan trong ngành nông nghiệp vừa mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân và nền kinh tế số.
Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống đã được xây dựng để kế thừa các kết quả đã triển khai trước đây và tích hợp vào hệ thống nền tảng chung của bộ, ngành.
Đối với các nội dung cần xây dựng mới, cần phân tích kỹ lưỡng, đưa ra thứ tự ưu tiên hợp lý để tính toán kế hoạch triển khai phù hợp, đảm bảo giải quyết nhanh các vấn đề nóng, nhưng cũng đảm bảo việc bao trùm các nội dung về lâu dài.
“Đặc biệt cần ưu tiên cho việc chuyển đổi số các nông sản chủ lực quốc gia, các ngành hàng có giá trị kinh tế cao, lợi thế xuất khẩu. Trong đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là đem lại lợi ích cho người nông dân, cộng đồng, doanh nghiệp”, ông Thắng nói.
Giai đoạn tới, Tập đoàn VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo – AI, Blockchain … để thực hiện được việc chuyển đổi số đồng bộ, gắn với công tác cảnh báo, dự báo để mang lại hiệu quả tối đa trong tương lai số nông nghiệp.
Để phối hợp tốt hơn nữa với Tập đoàn VNPT trong quá trình chuyển đổi số ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Vũ Ninh, Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi đề nghị, Tập đoàn tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Bộ NN-PTNT trong công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp và đầu tư về công nghệ, nguồn lực để đảm bảo cho công tác chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, ngành NN-PTNT nói chung.
Cùng với đó, ông Ninh cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét nhân rộng và thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số toàn ngành.
Chiến lược phát triển chăn nuôi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/10/2020 tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu: “Trong giai đoạn 2021 - 2025 mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình từ 4 đến 5%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63 đến 65%, thịt gia cầm từ 26 đến 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 đến 10%. Sản lượng trứng đạt từ 18 đến 19 tỷ quả, sữa: từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn".
Do đó, việc chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường.
Đồng thời, giúp các trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp; các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Chuyển đổi số là chuyển đổi cách nghĩ, cách làm từ các phương thức truyền thống sang sử dụng công nghệ số và dữ liệu số. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là được xác định là một trong những giải pháp có tính chất quyết định đến sự thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.
Theo nhận định của ông Nguyễn Vũ Ninh, Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), chuyển đổi số không phải là chiếc “đũa thần” đề giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ đem lại cơ hội tiếp cận nhiều thông tin về khoa học, giá cả vật tư nông nghiệp, giá sản phẩm, thị trường đầu ra… nhanh, chính xác đến người sản xuất nông nghiệp, giúp người sản xuất nông nghiệp “thông minh hơn”.
Ông Ninh cho biết thêm, chuyển đổi số là một quá trình với khối lượng công việc rất lớn và cần sự tham gia đồng bộ của nhiều chủ thể và yếu tố. Trong thời gian vừa qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Cục Chăn nuôi, một số cơ chế chính sách đã được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số.
“Dù vậy, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn bởi người sản xuất nông nghiệp trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế. Chuyển đổi số là vấn đề mới, các chủ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, nông hộ chăn nuôi mới bước đầu tiếp cận và hầu như chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển số trong ngành. Điều quan trọng nữa là thiếu động lực để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hệ thống”, ông Ninh chia sẻ.
Với mục tiêu triển triển khai chuyển đổi số nông nghiệp nhanh, đồng bộ và hiệu quả, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số.
Trong đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, quản lý và thúc đẩy, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong chủ lực, mỗi hợp tác xã và mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT năm 2022 đã lựa chọn một số lĩnh vực để ưu tiên thực hiện. Trong đó 2 lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt được coi là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số.
Trọng tâm trong công tác chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay là: Xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, việc triển khai xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở để chuyển đổi số các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm góp phần chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nền tảng này sẽ được triển khai theo định hướng quản lý tập trung, kết nối chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, kết nối với các hệ thống thông tin, các sàn thương mại điện tử.
Về khía cạnh công nghệ, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Chuyển đổi số Tài Nguyên Môi trường và Nông nghiệp, Tập đoàn VNPT đưa ra nhận định, khi cơ sở dữ liệu được cập nhật liên tục thì cơ quan quản lý sẽ thực hiện tốt công tác lập kế hoạch và đặc biệt là quy hoạch.
Lúc đó các cơ quan, doanh nghiệp có thể đưa ra được những chiến lược tốt, dựa trên các sở cứ khoa học với dữ liệu đầy đủ để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn. Vì vậy, cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung có thể góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Văn phòng Bộ, Trung tâm Tin học và Thống kê, Tập đoàn VNPT xây dựng hoàn thiện phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên 2 Cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi nằm trong Hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Vũ Ninh, Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến ngày Cục Chăn nuôi đã triển khai thu thập dữ liệu tất cả nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, trong tháng 7 này Cục Chăn nuôi sẽ từng bước triển khai, phối hợp thu thập dữ liệu về cơ sở chăn nuôi tại các địa phương.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ sở dữ liệu thu thập được sẽ phục vụ đắc lực cho Bộ NN-PTNT nói chung và Cục Chăn nuôi nói riêng thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo điều hành vĩ mô đối với lĩnh vực chăn nuôi.
Kết hợp với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi cấp địa phương tại các Sở NN-PTNT sẽ dần hình thành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tổng thể về chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc. Từ đó từng bước giải quyết việc hoàn thiện chính quyền số (lĩnh vực chăn nuôi), tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về chăn nuôi.
“Dữ liệu là vấn đề then chốt trong điều hành kinh tế. Với cơ sở dữ liệu này, công tác quy hoạch, điều tiết vĩ mô, điều hành các hoạt động kinh tế trên lĩnh vực chăn nuôi sẽ được tăng cường, thúc đẩy. Nền kinh tế chăn nuôi số sẽ gặt hái được những thành tựu chưa từng có so với trước đây”, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Chuyển đổi số Tài Nguyên Môi trường và Nông nghiệp, Tập đoàn VNPT.
Ông Thắng cho biết thêm, kết hợp với các công nghệ số, mạng xã hội, ứng dụng trên thiết bị di động, người nông dân sẽ được cung cấp các thông tin chính thống, tin cậy về chỉ đạo điều hành, chính sách của Bộ NN-PTNT và các cơ quan có thẩm quyền khác.
Cùng với đó, người nông dân còn nhận được các thông tin cảnh báo về dịch bệnh, dịch hại và thậm chí là hướng dẫn, hỗ trợ về quy trình sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi như giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, quy trình nuôi … Từ đó đem lại những lợi ích thiết thực, hiệu quả cao trong sản xuất, chăn nuôi, tránh những điệp khúc bấy lâu nay đã quen thuộc như là được mùa mất giá, giải cứu nông sản,…
Đánh giá về vai trò chuyển đổi số đối với công tác quản lý ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khi tiếp cận với với hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi, các doanh nghiệp còn có cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Bởi, trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart…
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số với Trưởng ban là Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhằm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và liên tục công tác chuyển đổi số của Bộ và ngành nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, giải pháp tập trung phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất.
Thông tin từ Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế cho biết, thời gian qua, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm cho hiệu quả năng suất, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được nâng cao.
Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân tăng cường triển khai các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… . Do vậy, đã rút ngắn được thời gian nuôi dưỡng, nâng cao trọng lượng xuất chuồng, giảm tỷ lệ chết, tăng chu kỳ sản xuất.
Cùng với đó, người chăn nuôi đã chuyển dần từ hình thức quảng canh với quy mô nhỏ mang tính truyền thống, tận dụng, sang sản xuất chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao có quy mô vừa và lớn. Nhiều cơ sở chăn nuôi theo phương thức thâm canh trang trại đang được phát triển tại nhiều vùng, địa phương trong tỉnh.
Từ đó, đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và sản lượng chăn nuôi và hình thành các vùng chăn nuôi có chất lượng cao.
Đây là tiền đề để nhiều doanh nghiệp thực hiện mô hình liên doanh liên kết trong chăn nuôi công nghệ cao nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn và phát triển chăn nuôi bền vững.
Đến nay đã có một số doanh nghiệp thực hiện mô hình liên doanh liên kết đạt hiệu quả cao như: Công ty TNHH Xây dựng và Chăn nuôi Trí Dũng (thành phố Huế), Công ty cổ phần chăn nuôi MaVin (huyện Phong Điền), Công ty cổ phần 3F Việt chi nhánh Huế (huyện Quảng Điền), Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1/5 (huyện Phong Điền), Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm (huyện Phong Điền), Công ty cổ phần Liên doanh vật liệu xây dựng Bảo Nguyên (huyện Phú Vang), Công ty TNHH CP Lam Điền (huyện Quảng Điền), Công ty TNHH Hoàng Vân (huyện Phú Lộc).
Bên cạnh đó, một số sản phẩm chăn nuôi đặc hữu tại địa phương theo mô hình liên doanh liên kết với các doanh nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu như: Bò vàng A Lưới, Lợn Ngự Quế Lâm, Gà kiến lai tạo gà chọi Minh Dư, trứng gà Ai Cập của công ty TNHH Thiên An Phú.
Nhiều năm qua, mô hình nuôi bò vỗ béo phát triển rất mạnh ở tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, điển hình như các huyện như Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ. Chăn nuôi bò được xem là thế mạnh của các địa phương này với nhiều hộ gia đình có số lượng đàn bò tương đối lớn và tăng trưởng đều qua các năm.
Tại huyện Nghĩa Hành, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, đến thời điểm này, trên địa bàn có khoảng hơn 200 hộ gia đình áp dụng mô hình nuôi bò vỗ béo. Trung bình mỗi hộ đều duy trì đàn bò với số lượng từ 15 – 20 con, hộ nuôi nhiều từ 40 – 60 con với giống bò chủ yếu là bò siêu thịt BBB.
Ông Nguyễn Lan trú thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) đã có gần 10 năm kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo. Với mô hình này, bò giống được ông Lan mua về khi đạt độ tuổi từ 3 đến 5 tháng, trọng lượng khoảng trên dưới 200kg/con. Hiện nay, giá bán mỗi con bò giống dao động từ 20 đến 25 triệu đồng.
Sau khi mua giống, bò được thả trong khu chuồng nuôi với diện tích 6m2/con, bò được nuôi bằng các lại thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp như bã bia, xác đậu tương, cỏ voi, rơm rạ, cám tổng hợp… Việc chỉ nuôi trong chuồng, không chăn thả giúp hạn chế rất lớn được công lao động. Do đó, chỉ 1 mình ông Lan đảm trách được việc chăm sóc đàn bò 14 con của gia đình.
“Nếu nhanh thì khoảng 10 tháng, chậm hơn thì 12 tháng, mỗi con bò nhà tôi sẽ đạt trọng lượng từ 550 đến 600kg và có thể xuất bán. Với giá bò hiện nay là 90.000 đồng/kg, thì sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng lãi được khoảng 70 triệu đồng. Có năm nếu chăm sóc tốt, bò đạt trọng lượng lớn, giá thức ăn chăn nuôi không tăng thì có thể lãi đến 100 triệu đồng”, ông Lan chia sẻ.
Theo các hộ chăn nuôi theo mô hình nuôi bò vỗ béo, thì hình thức này ngoài chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, mỗi con bò giống có giá hàng chục triệu đồng thì kỹ thuật nuôi cũng không khó. Chỉ cần người nuôi chịu khó thường xuyên theo dõi, chăm sóc, cho bò ăn đủ các chất dinh dưỡng và phòng trị bệnh kịp thời. Do đó, khả năng rủi ro là rất thấp.
Như hộ gia đình ông Trần Văn Trúc (trú thôn An Phú, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) hiện nay đang duy trì số lượng đàn bò với 40 con. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán khoảng 15 con với giá mỗi con từ 50 – 60 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình ông lãi khoảng 300.000 triệu đồng.
Ông Trúc cho biết, nuôi bò vỗ béo điều quan trọng đầu tiên là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt thì bò có sức khỏe, lớn nhanh và đạt trọng lượng lớn kéo theo giá bán cao. Bên cạnh đó, phải tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho bò và vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên để xử lý mầm bệnh.
“Đã chăn nuôi thì phải chú trọng đến tiêm phòng. Ngay cả những vacxin mà ở địa phương chưa có thì cũng phải tìm mua về tiêm cho đàn bò của gia đình và tiêm theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y. Đối với xử lý mầm bệnh, cứ 1 tuần tôi lại phun sát trùng 1 lần và thay đổi thuốc sát trùng liên tục. Bên cạnh đó, chuồng trại mỗi ngày cũng phải rửa dọn 2 lần để đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ”, ông Trúc nói.
Cũng theo ông Trúc, để chăn nuôi đạt hiệu quả, ông cũng thường xuyên tra cứu, tìm học hỏi trên mạng xã hội để tạo ra chế phẩm men sinh học IMO gốc trộn vào thức ăn cho bò vỗ béo. Nhờ vậy, trong những thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, thức ăn gia súc tăng cao, việc sử dụng men sinh học IMO giúp giảm thức ăn tinh, tiết kiệm được chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Hành cho biết, tại địa phương hiện nay, mô hình nuôi bò vỗ béo cho thấy rất hiệu quả bởi ít rủi ro, giá cả cũng như đầu ra tương đối ổn định, khuyến khích nhân rộng hơn nữa.
“Với những hộ dân muốn thực hiện mô hình thì mỗi năm, chúng tôi đều có 2 đợt thực hiện chương trình nhịp cầu nhà nông tổ chức tại 12 xã thị trấn trên địa bàn để hướng dẫn cho bà con, người dân hỏi gì chúng tôi sẽ trả lời và cầm tay chỉ việc luôn. Tuy nhiên, huyện đang có định hướng là hình thành ở mỗi vùng những khu chăn nuôi tập trung. Như thế sẽ kiểm soát được dịch bệnh cũng như xử lý tốt được môi trường, hạn chế vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi”, ông Ngọc nói.
Ngày 8/7 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội nghị sơ kết công tác chăn nuôi và thú y 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2022.
Dịch bệnh động vật được kiểm soát
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế kịp thời tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh. Do đó, công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, dịch bệnh đã được khống chế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các loại dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp. Đã có 13 tỉnh có dịch Cúm gia cầm, 47 tỉnh có dịch dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), 4 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM), 13 tỉnh có dịch viêm da nổi cục (VDNC), 13 tỉnh có bệnh dại chó. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh là rất lớn.
Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, bệnh DTLCP, cúm gia cầm, tai xanh lợn không xảy ra. Riêng bệnh LMLM xảy ra nhỏ lẻ, rải rác ở 3 xã thuộc huyện A Lưới với tổng số trâu bò mắc bệnh là 50 con; bệnh VDNC xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền với tổng số bò mắc bệnh là 9 con. Các ổ dịch bệnh đều được phát hiện kịp thời, khống chế, xử lý, không lây lan thành dịch.
Đối với dịch bệnh thủy sản, diện tích ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng trên địa bàn tỉnh là 9,92 ha, trong đó huyện Quảng Điền 6,37ha; huyện Phú Lộc: 1,7ha. Chi cục đang phối hợp với Phòng NN- PTNT, chính quyền địa phương xử lý ao nuôi nhiễm bệnh.
Để có được kết quả quả trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống, phối hợp chính quyền địa phương, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã triển khai công tác chỉ đạo thực hiện tiêm phòng đồng bộ. Giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, thông tin, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh xảy ra. Phối hợp các cấp, các ngành triển khai thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận thôn, hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để lây lan thành dịch;
Đặc biệt, xác định tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, Chi cục đã tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.
Thống kê cho thấy, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được: 21.147 liều THT trâu bò (68%, tăng 11%), 41.060 liều tam liên lợn (89%, giảm 1%), 417.800 liều cúm gia cầm (77%, tăng 5%), 303.100 liều dịch tả vịt (72%, tăng 17%), 11.241 liều LMLM lợn trang trại; LMLM trâu bò đợt 1/2022: 17.240 liều (28%); 20.328 liều VX VDNC (57%).... Đây là tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi khá cao so với các địa phương khác trong khu vực.
Thành lập 8 trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tuyến cơ sở, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ thành lập 8 trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện các quy trình thủ tục pháp lý để trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Theo đó các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện sẽ trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành thú y theo quy định của pháp luật và phân công, ủy quyền của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Trước đó, trên cơ sở Quyết định số 3041/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở NN- PTNT ban hành Đề án số 720/ĐA-SNNPTNT ngày 31/3/2022 về kiện toàn, sắp xếp lại các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp thuộc Chi cục.
Đến ngày 20/6/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành công văn số 6312/UBND-NV về việc thành lập 8 Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã; theo đó UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT tham mưu triển khai thực hiện.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông và thị xã Hương Thủy, Hương Trà trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến Nông-Lâm-Ngư.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn cho công tác chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch bệnh.
Do vậy, việc khôi phục các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập quốc tế.
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi. Dịch bệnh đã làm giảm đáng kể tổng đàn lợn trong tỉnh; ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người chăn nuôi; làm mất cân đối cung - cầu sản phẩm thịt lợn, đẩy giá tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.
Nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tái đàn lợn góp phần ổn định sản xuất, bình ổn giá thịt lợn, cơ bản cung cấp đủ thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, ngày 29/7/2020, tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025.
Tổng kinh phí để thực hiện Kế hoạch hơn 210 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, vốn của các chủ đầu tư. Trong đó, ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 43,4 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 18,6 tỷ đồng.
Mục tiêu chung của Kế hoạch, từ năm 2020, giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung trang trại. Từng bước phục hồi tổng đàn lợn trong tỉnh.
Đến năm 2025, có ít nhất 50% tổng đàn lợn trong tỉnh chăn nuôi theo quy mô trang trại, đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học và quy định về bảo vệ môi trường; có trên 80% hộ, cơ sở chăn nuôi nằm ngoài khu vực dân cư theo quy định. Phấn đấu tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 207.000 con vào năm 2025.
Thực hiện chủ trương trên, đến nay các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới đã triển khai đề án tái đàn lợn và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành báo cáo số 1130/SNNPTNT-CCCNTY ngày 20/5/2022 Tiến độ thực hiện “Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi đề án tái đàn lợn của các huyện nêu trên được phê duyệt, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn chưa bố trí ngân sách cấp tỉnh cho các huyện triển khai thực hiện.
Trước thực trạng cấp bách của việc tái đàn lợn, trong năm 2021, một số huyện như Quảng Điền, Phú Lộc đã chủ động bố trí ngân sách cấp huyện để triển khai với số tiền 998.168.000 đồng (trong đó huyện Phú Lộc là 500 triệu đồng để hỗ trợ cho 11 hộ chăn nuôi của 5 xã với số lượng 400 con lợn giống nuôi thịt; huyện Quảng Điền là 498 triệu đồng hỗ trợ cho 04 hộ với số lượng 19 lợn nái và 162 lợn thịt).
Năm 2022 huyện Quảng Điền đã bố trí ngân sách cấp huyện là 414.000.000 đồng cho việc triển khai đề án lợn. Qua kết quả sản xuất bước đầu, các hộ nuôi lợn đạt trọng lượng trên 90 kg mới xuất chuồng với giá bán đạt được 65.000 đồng/kg đã cho lãi từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/con, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ những kết quả đạt được, chính quyền địa phương và người dân đều có nguyện vọng tỉnh sẽ sớm bố trí kinh phí hỗ trợ để triển khai đề án.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo kế hoạch triển khai đề án của các huyện từ năm 2021-2022, đã có 139 hộ đăng ký tham gia đề án với số lượng 354 lợn nái và 1982 lợn thịt.
Trong đó huyện A Lưới có 50 hộ đăng ký nuôi mới lợn nái và 20 hộ đăng ký tuyển chọn lợn nái hậu bị từ vùng giống nhân dân với quy mô 02 lợn nái/hộ; huyện Quảng Điền có 24 hộ đăng ký tham gia với 79 lợn nái và 882 lợn thịt; huyện Nam Đông có 45 hộ/ 9 xã đăng ký tham gia mô hình với số lượng 135 lợn nái và 1100 lợn thịt).
Dù chính quyền địa phương và người dân đều rất mong muốn triển khai đề án tái đàn lợn nhưng hiện tại chỉ mới dừng lại ở bước triển khai cho các hộ đăng ký tham gia, chưa thực hiện việc nhập giống để nuôi do kinh phí của đề án chưa được UBND tỉnh phân bổ để thực hiện trong khi nguồn lực các địa phương còn nhiều khó khăn.
Chi Cục chăn nuôi Thú y và Thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong số hơn 1.700 con trâu, bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ đầu năm đến nay đã có khoảng 1.000 con bê, nghé được sinh ra.
Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 8.100 con trâu, bò được triển khai áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nhờ đó dần khắc phục tình trạng thiếu trâu, bò đực giống và suy thoái đàn trâu, bò tại tỉnh Tuyên Quang do cận huyết.
Thụ tinh nhân tạo cũng góp phần quan trọng trong cải tạo tầm vóc thể trạng của đàn trâu, bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển của giống vịt mới làm cơ sở tham quan, học tập, áp dụng phát triển chăn nuôi vịt trên cạn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN – KN) tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thành công mô hình trình diễn chăn nuôi giống vịt Đại Xuyên Star trên cạn (nuôi khô) với quy mô 1.400 con tại 4 hộ dân thuộc 2 xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh).
Đại Xuyên Star (Ngôi sao Đại Xuyên) là giống vịt có nguồn gốc nhập nội từ giống vịt Grimaud của Pháp mà bà con nông dân vẫn hay quen gọi và vịt xiêm Pháp... Nhờ tỷ lệ thịt ức cao, chất lượng thơm ngon, khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi rộng nhiều vùng miền… nên Đại Xuyên Star là giống vịt cao sản chuyên thịt rất phù hợp cho các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, gia trại.
Thạc sỹ Mai Ngọc Thuận, Trưởng Phòng Chuyển giao Kỹ thuật Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm KN – KN tỉnh Quảng Bình) cho biết, để đảm bảo con giống đạt chất lượng, đúng yêu cầu sử dụng giống vịt Đại Xuyên Star 1 ngày tuổi khỏe mạnh, không bị dị tật, đảm bảo chất lượng, đúng phẩm cấp giống và được cơ quan liên quan kiểm tra chất lượng trước khi giao cho các hộ tham gia mô hình, Trung tâm đã hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nông nghiệp Hải Anh để cung ứng giống vịt cho mô hình.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã ký hợp đồng với các công ty có uy tín để cung cấp thức ăn hỗn hợp đạt tiêu chuẩn chất lượng, có uy tín trên thị trường và phù hợp cho từng độ tuổi của vịt. Vacxin và thuốc thú y được mua tại các cơ sở có đủ điều kiện được phép kinh doanh, việc sử dụng đảm bảo đúng liều lượng, thời điểm và thời gian theo quy định.
Trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm KN – KN tỉnh Quảng Bình tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi, cách cho ăn, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Trong quá trình nuôi (bắt đầu từ cuối tháng 3/2022 ), Trung tâm cũng cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên điện thoại trao đổi, lên kiểm tra trực tiếp để nắm bắt tình hình sinh trưởng của vịt, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình trong việc cho ăn, tiêm phòng vacxin, điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi trong các thời điểm giao mùa.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cũng luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm vacxin theo định kỳ cho đàn vịt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu chăn nuôi, thực hiện vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ 2 tuần/lần. Chuồng nuôi đều có hố sát trùng trước cửa chuồng, thường xuyên có vôi bột và các chất sát trùng phù hợp. Máng ăn, máng uống và các dụng cụ vật tư khác đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi phát triển của đàn vịt…
Cũng theo ông Mai Ngọc Thuận, Đại Xuyên Star là giống vịt mới, siêu thịt, chất lượng. Mô hình trình diễn giống vịt Đại Xuyên Star trên cạn triển khai bước đầu đã đạt kết quả cao, đảm bảo các chỉ tiêu yêu cầu của mô hình, qua đó, cho thấy giống vịt này thích nghi tốt, ít bệnh tật, sinh trưởng phát triển ổn định khi nuôi tại tỉnh Quảng Bình bằng phương thức chăn nuôi mới trên cạn. Đây là hướng đi mới nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thời tiết, vùng nuôi, mùa vụ nuôi, giúp người dân phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường.
Đến nay, sau 60 ngày tuổi, vịt đạt trọng lượng trung bình khoảng 3,2 - 3,4 kg/con, tỷ lệ sống trên 93%, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn (FCR) dao động từ 2,4 - 2,6 kg/kg tăng trọng. Đặc biệt, giống vịt Đại Xuyên Star có tỉ lệ thịt xẻ rất cao, trên 72%. Điểm nhấn chính là phần thịt ức có khối lượng lớn và dày mà ít giống vịt trên thế giới hiện nay sánh được. Với giá bán khoảng 55.000 – 60.000 đ/kg, nuôi vịt Đại Xuyên Star mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vài năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng lớn nên nhiều hộ dân ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk đã quyết định phá ao để chuyển sang nuôi ốc.
Nuôi ốc có thực sự dễ?
“Cuối năm 2019, người ta kháo nhau ở dưới miền Tây họ chuyển sang nuôi ốc hết rồi, giá tới 100.000 đồng/kg lận. Rồi nguyên một huyện đua nhau phá ao nuôi ốc nhưng chẳng ai thành công. Phần lớn ốc ở đây dễ mắc bệnh, chậm lớn, kích thước nhỏ, thậm chí chết sạch” anh N.T.Kiên (huyện Krông Păk, Đắk Lắk) cho hay.
Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, anh Nguyễn Văn Sỹ (huyện Buôn Hồ, Đắk Lắk) đã quyết tâm xuống tận Đồng Tháp, Cần Thơ để tìm hiểu và học hỏi các kỹ thuật nuôi ốc của người dân nơi đây. Bởi theo anh, phần lớn người dân địa phương thất bại là do chưa hiểu và làm đúng kỹ thuật nuôi, phải tới tận nơi, xem tận mắt, làm tận tay mới có thể áp dụng được.
Theo anh Sỹ, sở dĩ người dân địa phương thất bại là do còn áp dụng các kỹ thuật nuôi cũ như nuôi ao tự nhiên, thả bèo, sai quy trình khi sử dụng men vi sinh…
“Họ chỉ biết bỏ bèo để nuôi mà không biết rằng nuôi bèo nhiều thì buổi tối nó sẽ hút hết oxy trong nước khiến ốc bị thiếu oxy gây chết hàng loạt. Men vi sinh họ chỉ đánh một lần, không dám đánh định kỳ 10 ngày/lần, như vậy ốc sẽ dễ bị nhiễm bệnh đường ruột và thiếu canxi, khoáng gây mòn vỏ và chậm phát triển. Và khi trời mưa, họ không chịu tưới vôi để trung hòa axit trong nước mưa khiến cho ốc bị sốc nước chết.
Ngoài ra, nuôi ốc nhồi trong môi trường tự nhiên khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc thay nước. Bởi hàng tháng phải thay nước đáy và bổ sung nước tầng mặt ít nhất một lần để đẩy sạch phần phân của ốc ra” anh Sỹ chia sẻ.
Mặc dù đã áp dụng đúng các kỹ thuật nuôi được học, thế nhưng khi triển khai mô hình thực tế tại địa phương, việc nuôi ốc vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong hơn một tháng đầu tiên, số ốc mà anh Sỹ đầu tư đã chết khoảng 15 - 25%.
Anh Sỹ cho rằng, nuôi ốc không hề dễ như người ta đồn thổi, không ít trường hợp thổi vống lên về hiệu quả và quảng cáo ốc rất dễ nuôi để mục đích bán được trứng hoặc ốc giống thu lời. Nhiều người đã tin nuôi ốc dễ, lại cho lợi nhuận cao mà dễ dàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư mua trứng, ốc giống về nuôi, để rồi phải tốn công, tốn sức, tốn tiền bạc.
Không giống như ngoài Bắc, trong này chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Khi mùa mưa đến, bất kể trời mưa lúc nào tôi đều phải tưới vôi. Thay vì bón bằng tay rất vất vả lại chậm chạp, tôi lắp đặt hệ thống béc chuyên tưới. Ngoài ra, tôi còn lắp thêm hệ thống sục khí venturi để cấp oxy giống như trong nuôi tôm, cá.
"Đăk Lăk là vùng đất phèn chua, sắt nhiều, rất có hại cho ốc. Khi mới nuôi, phải cải tạo đáy ao kỹ và phải khử kim loại nặng trong nước mới nuôi được. Xử lý đáy ao bằng vôi rồi phơi khô vài ngày sau khi cho nước vào, nên giảm phèn và kim loại nặng trong nước”, anh Sỹ chia sẻ.
Nuôi ốc nhồi liệu có dễ "hốt bạc"?
Theo anh Sỹ, nếu ốc nhồi được nuôi đúng kỹ thuật thì tầm 3 - 4 tháng là được thu hoạch, còn nếu thiếu chất dinh dưỡng hay không đủ oxy, ốc sẽ rất lâu lớn, thậm chí 6 - 7 tháng vẫn chưa được thu. Giá ốc nhồi ở miền Nam và miền Trung không được cao như miền Bắc, hiện tại chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Nuôi ít thì không có lời, mà nuôi mật độ lớn thì rủi ro cao, tỉ lệ số người thành công rất ít.
“Bỏ qua chi phí cải tạo ao nuôi, chi phí lắp đặt hệ thống béc chuyên tưới và sụt khí venture hết khoảng 10 triệu đồng, chi phí đầu tư mua 30 vạn con ốc giống gần 75 triệu đồng. Chi phí tiền men vi sinh và thuốc kháng sinh khoảng từ 5 - 7 triệu đồng/vụ.
Ngoài ra, do Đăk Lăk chủ yếu là vôi đá, không có loại vôi dolomit và super canxi dành cho thủy sản như những vùng miền Tây nên chi phí mua vôi dùng cho ốc tại đây rất khan hiếm và đắt đỏ. Với diện tích 600m2, một tháng vào mùa mưa tôi phải tốn khoảng 10 bao vôi loại 25kg, chi phí 80.000 đồng/bao, tính ra giá đắt gấp 10 lần mua sỉ ở miền Tây. 30 vạn ốc giống nếu nuôi đúng kỹ thuật, sau 4 tháng sẽ cho ra năng suất đạt từ 4 - 5 tấn ốc” anh Sỹ cho biết.
Như vậy, nếu như bỏ qua các chi phí cải tạo ao nuôi, hệ thống thiết bị thì chi phí đầu tư cho một vụ ốc sẽ hết khoảng 86 triệu đồng. Tính theo giá hiện tại, sau 4 tháng sẽ bán được khoảng 150 - 200 triệu đồng, thu lời từ 64 - 114 triệu đồng. Có thể thấy, nuôi ốc nhồi không hề dễ như nhiều người nghĩ, nhưng cũng không phải là quá khó để kiếm lời. Hãy trang bị cho bản thân thật đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trước khi tham gia đầu tư để thành công.
Hệ thống cán bộ thú y cấp xã là một lực lượng cực kỳ quan trọng, không thể thiếu trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật. Chính đội ngũ cán bộ thú y xã là những người trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát, xử lý các ổ dịch, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm hàng vụ, hàng năm. Mỗi lần dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra, đội ngũ cán bộ thú y vất vả chẳng kém gì đội ngũ cán bộ y tế xã, phường khi có dịch bệnh xảy ra ở con người.
Sau những bất cập do không còn cán bộ thú y cấp xã, ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND. Trong đó quyết định chức danh Thú y vào nhóm chức danh bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ tuyển dụng lại được 285 cán bộ thú y xã, trong khi nhu cầu toàn tỉnh là 460 người. Như vậy, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 175 cán bộ thú y cấp xã.
Ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết, là huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm vào loại lớn nhất tỉnh nhưng đến nay toàn huyện mới tuyển dụng lại được 18/39 cán bộ thú y xã, còn lại 21 xã vẫn trống cán bộ thú y.
Theo ông Hương, nguyên nhân khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ thú y xã là theo quy định, người được tuyển dụng phải có bằng tốt nghiệp cấp 3, trung cấp chuyên ngành thú y trở lên, trong khi những người vừa trẻ, vừa có đủ bằng cấp lại không muốn làm. Trong khi đó, có rất nhiều người đã có thâm niên và kinh nghiệm làm việc trong ngành thú y lại không thể tuyển dụng lại được do không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp. Việc thiếu cán bộ thú y cấp xã đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
Đối với các huyện miền núi, việc bố trí lại chức danh thú y xã lại càng khó khăn hơn nhiều. Sau nhiều lần, nhiều tháng ra thông báo tuyển dụng, đến nay xã Chi Khê, huyện Con Cuông chỉ nhận được một bộ hồ sơ ứng tuyển. Nhưng, rất đáng tiếc người nộp hồ sơ xin được ứng tuyển vào chức danh thú y xã lại không đáp ứng tiêu chí về trình độ, bằng cấp.
Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết, do chưa tuyển được người vào vị trí chức danh thú y xã, nên thời gian qua, việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt trong các đợt tiêm phòng theo chủ trương của tỉnh và huyện, UBND xã phải thuê người làm, cho dù nguồn kinh phí rất khó khăn hạn hẹp, nhưng xã vẫn phải thuê, tuy nhiên do việc phải thuê dịch vụ nên công tác tiêm phòng đạt tỉ lệ thấp, và xã cũng đành phải chấp nhận.
Theo bà Lô Thị Tâm, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Con Cuông: Đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới có 5/13 xã tuyển dụng được cán bộ thú y. Người vừa có tâm, vừa muốn làm, vừa có kinh nghiệm trong nghề không được tuyển dụng lại do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn bằng cấp. Trong khi đó, những người trẻ khỏe, có đủ bằng cấp lại không mặn mà với công việc thú y cấp xã, mà thích đi làm ăn xa hoặc công việc khác có thu nhập cao hơn, kể cả đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 3 địa phương là huyện Quỳ Châu, huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Cửa Lò là đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu cán bộ thú y xã, còn lại 18 huyện/thành, thị chưa tuyển đủ người vào vị trí này. Trong đó, một số huyện có tỉ lệ tuyển dụng đạt rất thấp như: Kỳ Sơn mới tuyển dụng được 1/21 xã, Nghi Lộc 7/29 xã, Thanh Chương 20/38 xã, Anh Sơn 3/21 xã…
Ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khôi phục hệ thống thú y cấp xã, phường và thị trấn. Riêng Sở NN-PTNT đã trực tiếp xuống từng huyện, thành, thị để đốc thúc việc tuyển dụng, tuy nhiên tình hình tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là quy định về tiêu chí tuyển dụng.
Cụ thể đối với vùng đồng bằng, người được tuyển dụng phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y trở lên, vùng miền núi phải có bằng sơ cấp thú y trở lên. Có thể nói tiêu chí quy định không sai, nhưng vì cơ chế chính sách, chế độ phụ cấp… chưa đáp ứng được tương xứng cho người làm công tác thú y ở cơ sở, nên một số lượng khá lớn người có đầy đủ bằng cấp và sức khỏe tốt không mặn mà. Đa số người đủ tiêu chuẩn đều muốn sử dụng chuyên môn của mình sang làm dịch vụ, như mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thăm khám chữa bệnh cho gia súc, gia cầm khi có người mời gọi…
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ kệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.
Thông tin công bố tại hội thảo “Thực trạng kháng kháng sinh và giải pháp sử dụng chế phẩm thay thế trong chăn nuôi” do do Công ty CP Vietko Bio (Hàn Quốc) đã kết hợp với Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên tổ chức tại TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cho biết, theo thống kê, có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên, số thuốc này không được quản lý chặt chẽ trong việc tiêu thụ.
Ở Việt Nam, vấn đề sử dụng quá liều hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh ở các trang trại gia súc và gia cầm đang ở mức báo động, do việc giám sát sử dụng thuốc còn hạn chế, đồng thời, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.
Một kết quả khảo sát của ngành y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Người dân mua kháng sinh tại các nhà thuốc dễ như mua rau ngoài chợ.
Sử dụng tùy tiện thuốc kháng sinh không đúng qui định, chỉ định cho vật nuôi, gây tồn dư thuốc trong cơ thể vật nuôi, tăng nguy cơ kháng thuốc cho con người khi ăn thức ăn có nguồn gốc từ các vật nuôi này.
Không ít hộ chăn nuôi, trang trại, không đợi vật nuôi đào thải hết kháng sinh đã xuất bán tạo ra những tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn. Do đó, việc trang bị kiến thức về kháng kháng sinh cho nông dân và vô cùng quan trọng để ngành chăn nuôi có thể phát triển một cách bền vững và cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn.
Theo PGS. TS Nguyễn Quang Tính, giảng viên cao cấp trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, trước thực trạng kháng kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng, việc chủ động sử dụng các chế phẩm, phụ gia trong thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ tự nhiên sẽ giúp đảm bảo an toàn cho vật nuôi cũng như người tiêu dùng.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 700.000 tấn phụ gia thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, tương đương 1 tỷ USD. Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng nước ta hiện chưa chủ động sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Hiện một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đang xúc tiến nghiên cứu, hợp tác đầu tư nhằm sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi ngay tại nước ta để giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm giúp người nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất.
Theo đại diện Khoa Chăn nuôi và Thú y, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên về giải pháp sử dụng chế phẩm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nhằm khắc phục tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Theo đó, đơn vị này công bố công trình thí nghiệm xây dựng quy trình sử dụng và khuyến cáo sử dụng đối với sản phẩm DMFARM và DCS682 của Công ty Cổ phần Vietko Bio, giúp vật nuôi tăng kháng thể, từ đó giảm thiểu, thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi. Việc thí nghiệm này đã được triển khai thực tế trên đàn vật nuôi của Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Đại diện Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường chia sẻ, khi áp dụng quy trình sử dụng sản phẩm DMFARM và DCS682 của Công ty CP Vietko Bio theo quy trình và khuyến cáo của Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên giúp vật nuôi kích thích thèm ăn, hỗ trợ chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng, ức chế vi khuẩn có hại, từ đó tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí chăn nuôi.
Ông Jo Wan Su, Tổng Giám Đốc Công ty cổ Phần Vietko Bio cho biết, doanh nghiệp đã bắt đầu việc đầu tư với mong muốn mang những sản phẩm phụ gia thức ăn chăn nuôi tốt nhất được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến ở Hàn Quốc đến Việt Nam. Thời gian tới, công ty sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật để có thể trực tiếp sản xuất ra sản phẩm ngay tại Việt Nam.
“Hiện tại ở thị trường Việt Nam cũng có rất nhiều các sản phẩm phụ gia thức ăn chăn nuôi, nhưng công nghệ sản xuất vẫn chưa được tốt như những nước tiên tiến khác. Với suy nghĩ phải đóng góp điều gì đó cho các nhà nông Việt, tôi sẽ mang những sản phẩm vượt trội từ Hàn Quốc để cung cấp cho nhà nông Việt”, ông Jo Wan Su nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Quang Tính, Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho rằng, thời gian tới, các sản phẩm phụ gia thức ăn chăn nuôi sẽ dần thay thế các loại kháng sinh, giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tồn dư kháng sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn đối với người tiêu dùng.
Kết quả thử nghiệm tại một số hộ chăn nuôi tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội cho thấy, đàn gà sử dụng DCS 682 đi phân khuôn, giảm tiêu chảy, giảm mùi hôi chuồng trại, lông bóng mượt, ăn uống tốt. Đối với sản phẩm DMFarm trên đàn lợn cho thấy, sau 124 ngày nuôi, tăng trọng tích lũy ở đàn lợn sử dụng DMFarm cao hơn từ 5-8kg/con, giúp đàn lợn giảm tổng số vi khuẩn E.coli trong đường tiêu hóa 93,7%, giảm được 100% vi khuẩn Salmonella có hại, giúp hệ tiêu hóa ổn định, đàn lợn phát triển tốt, cho sản phẩm thịt tươi ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vietko Bio sẽ chuyển giao quy trình sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi về Việt Nam
Công ty Cổ phần Vietko Bio tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là một trong những đơn vị tiên phong trong việc nhập khẩu phụ gian thức ăn chăn nuôi về Việt Nam.
Đây là công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc, kết hợp với các đối tác hàng đầu về lĩnh vực sản xuất các sản phẩm dành cho chăn nuôi tại Hàn Quốc để ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật mang lại sản phẩm chất lượng nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất đến với người chăn nuôi Việt Nam.
Hiện có 2 sản phẩm đang được công ty phân phối tại Việt Nam là DMFarm và DCS 682. Các sản phẩm này 100% được sản xuất tại Hàn Quốc.
Sản phẩm DCS 682 khi thử nghiệm trên đàn gà làm tăng sự biểu hiện của các gen đóng vai trò bảo vệ hệ thần kinh và thúc đẩy sự tăng sinh và phân hóa của tế bào, đẩy nhanh sự sinh sản của tế bào mới giúp tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả thức ăn chăn nuôi.
Đối với sản phẩm DMFarm, khi bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cho lợn có tác dụng cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, giúp lợn tăng trưởng nhanh hơn, giảm tỷ lệ tiêu chảy trên lợn, mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn.
Ông Jo Wan Su, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VietKio Bio bày tỏ mong muốn trở thành nhà cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, an toàn sinh học, áp dụng khoa học công nghệ hiệu quả hàng đầu cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Thời gian tới, phía Hàn Quốc sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật sản xuất sản phẩm DMFarm cho phía Việt Nam, từ đó giảm giá thành sản phẩm, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh cho chăn nuôi ở Việt Nam.
Tiến Thành